Úc công bố Chiến lược Nhập cư cho năm tài chính 2024-2025

Ngày 11/12, Chính phủ Úc đã công bố Chiến lược Nhập cư (Migration Strategy) cho năm tài chính 2024-2025. Chiến lược đề ra những kế hoạch đổi mới hệ thống nhập cư của Úc nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai của quốc gia, đồng thời sẽ giúp xây dựng một nước Úc thịnh vượng và an toàn. 

23 12 14 - AIMS - dinh cu uc - tro ly thu ky actu liam obrien va giam doc dieu hanh hoi dong kinh doanh uc bran black tai buoi ra mat chien luoc nhap cu cua chinh phu

Ngày 11/12/2023, Chính phủ Úc ban hành Chiến lược Nhập cư mới | Nguồn: Sưu tầm

Tổng quan về Chiến lược Nhập cư mới của Úc

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc, bà Clare O’Neil cho biết hệ thống di cư hiện tại đang “trong tình trạng nhiều bất cập” và cần tiến hành một cuộc “cải cách lớn”. Trong năm 2023, kỷ lục 510.000 người đã đến Úc tính đến tháng 6 vừa qua, nhưng Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ “kiểm soát số lượng” và giảm lượng nhập cư hàng năm khoảng 50% – gần bằng với mức trước đại dịch.

Chiến lược Nhập cư mới hướng đến 5 mục tiêu sau:

  • Nâng cao mức sống cho người Úc bằng cách tăng năng suất lao động, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
  • Đảm bảo tính công bằng tại nơi làm việc bằng cách bổ sung vị trí công việc, tiền lương và bảo hiểm cho nhân lực trong nước, đồng thời ngăn chặn nạn bóc lột người lao động nhập cư.
  • Xây dựng cộng đồng Úc vững mạnh hơn bằng cách lập kế hoạch cho việc di cư bền vững, mang lại cho người nhập cư nước ngoài cơ hội an cư ở Úc thông qua việc cấp thường trú nhân và nhập tịch.
  • Tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực cũng như giữa các tỉnh bang trong nước thông qua các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – văn hóa – xã hội.
  • Cải thiện hệ thống định cư – di trú để hoạt động nhanh chóng, hiệu quả và công bằng cho người nhập cư và người sử dụng lao động.

Úc đề ra 8 nhiệm vụ chính để hiện thực hóa mục tiêu

1. Tập trung thu hút nhân lực có tay nghề để giải quyết sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn, tạo sự linh hoạt cho người lao động nhập cư thay đổi công việc phù hợp

Chính phủ dự kiến ban hành Visa mới có tên gọi “Skill in Demand” với 3 diện chính, dự kiến sẽ thay thế cho Visa 482. Thay đổi này nhằm nhắm đến lao động tay nghề cao trong các ngành đang tăng trưởng. Ba diện chính bao gồm:

  • Diện Specialist Skills: dành cho những người di cư có tay nghề cao và có tiềm năng đóng góp lớn cho quốc gia. Thu nhập tối thiểu hàng năm được đảm bảo sẽ là khoảng 135.000 AUD và không thấp hơn người lao động bản xứ nếu trong cùng ngành nghề. Công nhân, người vận hành máy móc và lái xe cùng những người lao động chân tay khác sẽ không được liệt kê vào diện này.
  • Diện Core Skills: dành cho những đương đơn có nghề nghiệp nằm trong danh sách Nghề nghiệp Kỹ năng cốt lõi mới (Core Skills Occupation list, viết tắt là CSOL). Những ngành nghề này sẽ được tổ chức Jobs and Skills Australia công nhận là đang thiếu hụt nhân lực, và mức lương tối thiểu nhận được sẽ tương đương với ngưỡng thu nhập của người nhập cư tạm thời diện tay nghề (Temporary Skilled Migration Income Threshold – TSMIT).
  • Diện Essential Skills: dành cho những người lao động có kỹ năng thiết yếu và được trả lương dưới 70.000 AUD. Diện này vẫn đang được Chính phủ Úc phát triển thêm.

Điểm nổi bật của loại Visa này là cho phép người lao động thay đổi công việc trong thời gian Visa của họ còn hiệu lực. Quá trình xử lý Visa được đẩy nhanh với thời gian trung bình là 7 ngày cho diện Specialist Skills và 21 ngày cho các diện khác.

Chính phủ sẽ nghiên cứu một mô hình khác để người sử dụng lao động thanh toán được các khoản phí và lệ phí kéo dài (chẳng hạn như phí sử dụng nhân lực nước ngoài của Úc) để việc tuyển dụng lao động bớt khó khăn hơn. Chính phủ cũng sẽ tìm cách cải biên con đường bảo lãnh để hỗ trợ thêm cho các nhà tuyển dụng tiếp cận hiệu quả những người lao động nhập cư.

23 12 14 - AIMS - dinh cu uc - ba clare o neil dang phat bieu tai mot buoi toa dam

Bà Clare O’Neil, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc, cho biết hệ thống di cư hiện tại cần tiến hành một cuộc “cải cách lớn” | Nguồn: Sưu tầm

2. Định hình lại chương trình di cư của thường trú nhân có tay nghề để thúc đẩy sự thịnh vượng lâu dài

Chính phủ sẽ cải biên Bảng điểm Di trú của chương trình di cư của thường trú nhân có tay nghề. Thay đổi này cũng sẽ áp dụng với Visa mới “Talent and Innovation” – dành cho người di cư có khả năng đóng góp lớn trong các lĩnh vực có tầm quan trọng với sự phát triển của quốc gia. 

Visa “Talent and Innovation” sẽ chỉ có một diện duy nhất nhằm thu hút một lượng nhỏ nhân tài đến định cư tại Úc. Trong khi Chính phủ xem xét loại Visa này sẽ không có khoản phân bổ mới nào cho Chương trình Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh (Business Innovation and Invest Program).

3. Tăng cường tính liêm chính và chất lượng của giáo dục quốc tế

Một số biện pháp liêm chính sẽ được đưa ra nhằm nâng cao tiêu chuẩn đối với sinh viên quốc tế, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp sẽ phát huy tiềm năng của mình để tạo ra lợi ích cho quốc gia. 

Đáng chú ý, yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh đối với du học sinh sẽ được nâng lên mức cao hơn. Cụ thể, người nộp đơn xin Visa du học sẽ cần đạt IELTS 6.0 thay vì 5.5 như trước. Người xin Visa sau đại học sẽ cần đạt IELTS 6.5 thay vì 6.0.

Chính phủ còn công bố đầu tư 19 triệu AUD vào đơn vị thẩm định Visa du học sinh của Bộ Nội vụ nhằm cải tiến hệ thống đánh giá và xét duyệt Visa. Điều này sẽ làm giảm việc lạm dụng Visa du học để tìm việc làm ở Úc thay vì học tập, cũng như ngăn chặn tình trạng bóc lột sinh viên quốc tế.

23 12 14 - AIMS - dinh cu uc - 3 sinh vien tot nghiep tung mu

Yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh đối với du học sinh sẽ được nâng lên mức cao hơn | Nguồn: iStock

4. Giải quyết nạn bóc lột lao động và lạm dụng hệ thống Visa

Chính phủ sẽ ban hành sổ đăng ký công khai của các nhà bảo lãnh nhằm cải thiện tính liêm chính và hỗ trợ khả năng di cư của người lao động nước ngoài. Sổ đăng ký sẽ bao gồm các chi tiết như tên của các nhà bảo lãnh được phê duyệt, số lượng công nhân lành nghề tạm thời mà họ đang tuyển dụng và các ngành nghề được đề cử.

Hành động này giúp người di cư hiểu rõ quyền lợi tại nơi làm việc của họ để giảm bớt tình trạng bóc lột lao động. Mặt khác, Chính phủ cũng tăng cường giám sát người nhập cư sau khi đến Úc, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ đóng thuế theo quy định.

5. Cải tiến kế hoạch di cư để phân bổ nguồn lực hợp lý

Chính phủ cam kết lập kế hoạch di cư dài hạn để quản lý hiệu quả hơn lượng người nhập cư. Để làm được, Chính phủ nhấn mạnh việc hợp tác chặt chẽ với các tiểu bang và vùng lãnh thổ cũng như thực hiện các đo lường, đánh giá, điều chỉnh dựa trên dữ liệu thực tiễn và chính xác nhất. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Nội vụ cho biết sẽ thiết lập vai trò chính thức cho tổ chức Jobs and Skills Australia trong việc xác định nhu cầu tay nghề cao của Úc dựa trên các bằng chứng xác thực và kiến nghị từ các cơ chế 3 bên (Chính phủ, doanh nghiệp và công đoàn).

6. Điều chỉnh các Visa dành cho lao động có tay nghề tại các vùng chỉ định và Chương trình Working Holiday Maker để hỗ trợ những địa phương khác đang thiếu nhân lực ở Úc

Chính phủ sẽ điều chỉnh các Visa của khu vực chỉ định và chương trình Working Holiday Maker để hỗ trợ các địa phương Úc và người lao động ở khu vực này. Theo đó, Chính phủ sẽ đảm bảo  các Visa của khu vực chỉ định được ưu tiên xử lý hồ sơ cũng như hỗ trợ quá trình di cư.

Úc cũng nhấn mạnh việc liên tục đánh giá các chương trình định cư lao động có tay nghề tại các vùng chỉ định và chương trình Working Holiday Maker để đưa ra các cải tiến trong tương lai. Mục đích là đảm bảo quá trình di trú của người nước ngoài diễn ra suôn sẻ và hạn chế tối đa tình trạng bóc lột lao động.

7. Tạo dựng và gắn kết mối quan hệ giữa người dân Úc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific)

Chính phủ tiến hành các hoạt động thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hiệu quả trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm thiết lập con đường nhập tịch Úc trực tiếp cho người New Zealand và tạo điều kiện vào Úc thuận lợi cho người dân ở khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Ngoài ra, trong mục này, Chính phủ cũng nhấn mạnh 2 nhiệm vụ quan trọng: (1) cải cách chương trình Pacific Australia Labour Mobility (PALM) và sẽ ban hành Visa mới “Pacific Engagement” để khuyến khích lao động di cư nhiều hơn từ khu vực này; (2) cấp Visa đặc biệt cho công dân Tuvalu theo hiệp ước song phương (Liên minh Falepili Tuvalu của Úc).

8. Đơn giản hóa hệ thống di cư để nâng cao trải nghiệm cho người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động

Có 2 nhiệm vụ nổi bật mà Chính phủ đề cập trong mục này, đó là đầu tư cải tiến hệ thống Visa nhằm giảm tình trạng tồn đọng hồ sơ và bãi bỏ các diện Visa không cần thiết hay trùng lặp để hệ thống vận hành tốt hơn.

Tiến độ của chiến lược đến thời điểm hiện tại

Chính phủ sẽ thực hiện Chiến lược Nhập cư theo từng giai đoạn, bắt đầu bằng việc thảo luận về chương trình di cư của thường trú nhân tay nghề cao và chương trình di cư trong khu vực chỉ định (bao gồm cả việc đánh giá chương trình Working Holiday Maker) vào đầu năm 2024. 

Dưới đây là thời gian tiến hành dự kiến:

Đã triển khai hoặc sắp triển khaiSẽ triển khai vào cuối năm 2024Cần tham khảo thêm trong năm 2024
– Khôi phục tính toàn vẹn cho hệ thống di cư và giảm lượng tồn đọng trong quá trình xử lý– Hỗ trợ người di cư có tay nghề để giúp đáp ứng nhu cầu của Úc– Đưa ra các biện pháp chống bóc lột người lao động nước ngoài– Tăng cường quan hệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương– Xây dựng hệ thống di cư hướng đến các thường trú nhân có tay nghề– Tăng cường tính liêm chính và chất lượng giáo dục quốc tế– Cải thiện kế hoạch di cư– Bắt đầu đơn giản hóa hệ thống di cư– Tái cấu trúc chương trình di cư của thường trú nhân có tay nghề– Điều chỉnh các Visa của khu vực chỉ định và Chương trình Working Holiday Maker– Các biện pháp bổ sung trong trường hợp cần cải cách hệ thống nhập cư trong tương lai

Đối với yêu cầu kiểm tra thị trường lao động (Labour Market Testing – LMT): Thông thường, Quý vị sẽ cần cung cấp bằng chứng để chứng minh doanh nghiệp đã thực hiện khảo sát thị trường lao động (trừ một số trường hợp miễn trừ) khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, các yêu cầu này tại thời điểm hiện tại đang gây khó khăn cho các nhà bảo lãnh và không phù hợp với mục đích của từng doanh nghiệp. 

Chính phủ Úc đã có các biện pháp bao gồm loại bỏ yêu cầu quảng cáo các vị trí thông qua trang tuyển dụng Workforce Australia. Ngoài ra, thời hạn hiệu lực của LMT cũng sẽ được tăng từ 4 lên 6 tháng vào cuối năm 2024.

Share the Post:
error: Content is protected !!